Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1/8/1915 tại Đà Nẵng. Bà là một nhà giáo nhiều tâm huyết với sự nghiệp "trồng người". Lập nghiệp bằng nghề viết văn, viết báo tại Sài Gòn, bà trở thành nhà văn rất quen thuộc với độc giả phía Nam cuối những năm 50 đến đầu những năm 70. Bà Tùng Long nổi tiếng với các tiểu thuyết, truyện tâm lý xã hội đăng theo dạng "feuilleton" trên các nhật báo thời kỳ ấy. Bà cũng là người đứng sau mục giải đáp tâm sự của bạn đọc nữ trên các tờ báo ngày và báo định kỳ.
Từ năm 1956 đến nay, bà có tất cả 50 đầu sách, trong đó có 16 đầu sách tái bản và in mới sau 1975. Tiểu thuyết của bà phần lớn đề cập về thân phận người phụ nữ, cổ xúy cho bình đẳng nam nữ, ca ngợi tình yêu luyến ái cao đẹp và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc: Bóng người xưa, Một lần lầm lỡ, Đời con gái, Mẹ chồng nàng dâu, Đời con gái, Nẻo về tình yêu....
ĐỜI CON GÁI : kể về mười hai tuổi, Xuân Lan bắt đầu nhận thấy mình không được yêu thương như các anh chị em khác trong nhà. Mẹ Xuân Lan, bà Phương, dường như ghét bỏ nó. Chỉ có cha và chị Mai Lan, người chị đã đi tu, con riêng của bà Phương với chồng trước, là thương con bé. Những buồn tủi, nghi ngờ trong Xuân Lan lớn lên cùng với sự bất hòa, hục hặc trong gia đình, để rồi khi tất cả bùng nổ đã hé lộ bí mật đầy trái ngang, tội lỗi về sự ra đời của con bé.
Đời con gái chỉ cần được yêu thương, nhưng yêu thương cũng chính là nguồn cơn bất hạnh…